Vốn hóa thị trường (hay Market Cap) là giá trị của một công ty dựa vào giá trị cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn. Vốn hóa thị trường là một cách để nhà đầu tư có thể xác định phong cách đầu tư của mình dựa vào 3 dạng vốn hóa chính: Vốn hóa lớn(LargeCap), vốn hóa trung bình(MidCap), vốn hóa nhỏ(SmallCap).
Vậy nhà đầu tư có thể tận dụng vốn hóa thị trường như thế nào trong chiến lược của mình? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vốn hóa thị trường là giá trị của công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, hay nói cách khác là chi phí bạn cần bỏ ra để sở hữu toàn bộ công ty tại thời điểm hiện tại, được tính bằng công thức:
Vốn hóa thị trường = Giá trị cổ phiếu x số lượng cổ phiếu đang lưu hành
Ví dụ với mã HPG (Tập đoàn Hòa Phát) tại ngày 12/5/2021 (Ảnh tại CafeF)
Ta có giá mỗi cổ phiếu đang lưu hành: P = 61,900 đồng
Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: KLCP = 3,313,282,659
Vậy giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn Hòa Phát (HPG) là:
Market Cap HPG = 61,900 x 3,313,282,659 = 205,423,524,900,000 đồng (xấp xỉ 8.9 tỷ USD)
Nếu để ý ở ngay bên dưới KLCP đang lưu hành, nhà đầu tư sẽ thấy Vốn hóa thị trường có giá trị trùng khớp với những gì vừa tính ở bên trên. Như vậy ta có thể thấy giá trị vốn hóa là một thuật ngữ khá phổ biến trong giới đầu tư và được công bố rộng rãi trên mạng xã hội.
Giá trị Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam
Mỗi công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán đều có một giá trị vốn hóa thị trường, và với mỗi thời điểm khác nhau thì giá trị vốn hóa của công ty là không giống nhau bởi nó phụ thuộc vào giá trị giao dịch giữa các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Thị trường Chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 3-2021 đạt 7.2 triệu tỷ đồng, tương đương 116.75%GDP, trong đó giá trị thị trường cổ phiếu là 5.88 triệu tỷ đồng, tương đương 70%GDP
Vốn hoá thị trường | HOSE | HNX |
28/2/2021 | 4,365,733 | 285,402 |
31/3/2021 | 4,465,279 | 338,151 |
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Nguồn: UBCKVN
20 Công ty có Giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Chứng khoán Việt Nam
STT | Mã cổ phiếu | Giá trị vốn hóa |
1 | VIC | 448,172 tỷ |
2 | VCB | 363.841 tỷ |
3 | VHM | 325.99 tỷ |
4 | HPG | 208.737 tỷ |
5 | VNM | 194.366 tỷ |
6 | TCB | 168.586 tỷ |
7 | CTG | 166.808 tỷ |
8 | BID | 166.512 tỷ |
9 | GAS | 164.6 tỷ |
10 | VPB | 152.931 tỷ |
11 | NVL | 138.1 tỷ |
12 | MSN | 119.347 tỷ |
13 | SAB | 96.513 tỷ |
14 | MBB | 92.919 tỷ |
15 | ACB | 78.249 tỷ |
16 | VRE | 72.146 tỷ |
17 | FPT | 67.259 tỷ |
18 | PLX | 66.295 tỷ |
19 | THD | 66.08 tỷ |
20 | VIB | 65.454 tỷ |
Qua bảng thông kê (ngày 12/5) ta có thể thấy phần lớn các công ty có vốn hóa lớn đều năm trên sàn HOSE trong đó nhóm ngành ngân hàng, tài chính và bất động sản, chiếm 65%(13/20), là những nhóm ngành dẫn dắt thị trường.
Hiện nay với 1817 công ty niêm yết, tuy nhiên chỉ 20 công ty vốn hóa đa phần là nằm trong HOSE đã chiếm 56% (3.3 triệu tỷ so với 5.88 triệu tỷ) toàn bộ giá trị vốn hóa thị trường. Nó cho ta thấy sự tác động của các công ty đứng đầu lên toàn bộ thị trường là rất lớn. Do vậy đa số những nhà đầu tư nước ngoài lấy chỉ số Vn-Index (sàn HOSE) làm đại diện chỉ số cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Để hiểu hơn về Vn-Index bạn có thể tham khảo thêm tại Vn-Index là gì
Dưới đây là một số CAGR nổi bật của các công ty trong nhóm chỉ số VN30
Mã cổ phiếu | CAGR 2 năm ( 2019-2020) | CAGR 5 năm (2016-2020) |
CTG | 34.8% | 13.6% |
HPG | 16.0% | 7.6% |
MBB | 9.0% | 10.3% |
MSN | 6.4% | 3.3% |
MWG | 17.9% | 8.5% |
PNJ | -6.2% | 13.5% |
SSI | 11.8% | 8.8% |
VCB | 35.1% | 17.8% |
Nhìn vào bảng trên, nhà đầu tư có thể thấy rằng việc đầu tư vào những cổ phiếu nằm trong nhóm VN30 sẽ luôn sinh lời. Bởi lẽ, đây là nhóm cổ phiếu của những công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, đứng đầu mỗi ngành và có tầm ảnh hưởng đến ngành. Do vậy trong ngắn hạn, có thể sự may mắn sẽ không đứng về phía nhà đầu tư nhưng nếu đầu tư dài hạn thì thời gian và lãi kép sẽ luôn ủng hộ bạn.
Mối quan hệ giữa vốn hóa thị trường và giá trị công ty
Giá trị vốn hoá thị trường là thước đo quan trọng, đánh giá thành công hay thất bại của một công ty niêm yết tuy nhiên vẫn có nhiều người hiểu sai giữa vốn hóa thị trường của công ty và giá trị công ty
Giá trị vốn hóa thị trường phản ánh giá cổ phiếu của một công ty, nên có thể thay đổi theo kỳ vọng của các nhà đầu tư, vì vậy, chỉ số này không phản ánh hoàn toàn chính xác giá trị thực sự của công ty đó. Giá trị vốn hóa thị trường còn có thể tăng giảm do nguyên nhân không liên quan gì đến kết quả hoạt động, ví dụ như việc mua lại một công ty khác, bán bớt một số bộ phận của tập đoàn, hay mua lại chính cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán.
Còn giá trị công ty phản ánh bản chất tình trạng sức khỏe của công ty, nếu giá trị công ty tăng chứng tỏ phần lớn là đang làm ăn có lãi và ngược lại. Giá trị công ty sẽ không bị phản ánh bởi tâm lý của nhà đầu tư và sự biến động của thị trường. Giá trị công ty được đo đạc bằng cách lấy tổng tài sản vô hình lẫn hữu hình trừ đi các khoản nợ phải trả.
Tăng trưởng giá trị công ty dẫn đến sự tăng trưởng giá trị vốn hóa thị trường, trong ngắn hoặc dài hạn, nhưng sự tăng trong vốn hóa thị trường của công ty chưa chắc dẫn đến sự tăng trưởng của giá trị công ty. Mối quan hệ giữa giá trị và giá trị vốn hóa là mối quan hệ kéo theo.
2. Phân chia công ty theo giá trị vốn hóa thị trường
Ở thị trường Chứng khoán Việt Nam, bạn sẽ thường nghe tới Blue-chip, Midcap, Penny… dù không được công nhận chính thức hay thừa nhận bởi các chuyên gia nhưng đây cũng là các cụm từ phổ thông để chỉ về các nhóm phân loại vốn hóa trên thị trường Việt Nam
Vốn hóa thị trường tại Việt Nam và trên thế giới chia như nào?
Vốn hóa thị trường thế giới chia thành 6 nhóm:
- Công ty có vốn hóa siêu lớn (Mega-Cap): Vốn hóa > 200 tỷ $.
- Công ty có vốn hóa lớn: 10 tỷ $ < Vốn hóa < 200 tỷ $
- Công ty có vốn hóa trung bình (Mid-Cap): 2 tỷ $ < Vốn hóa < 10 tỷ $
- Công ty có vốn hóa nhỏ (Small-Cap): 300 triệu $ < Vốn hóa < 2 tỷ $
- Công ty có vốn hóa rất nhỏ(Micro-Cap): 50 triệu $ < Vốn hóa < 300 triệu $
- Công ty có vốn hóa siêu nhỏ(Nano-Cap): Vốn hóa < 50 triệu $
Tại Việt Nam, sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) xây dựng các rổ cổ phiếu dựa vào vốn hóa thị trường từ nhỏ đến lớn mang tính ước lượng gồm có:
- VN30: Là chỉ số vốn hóa đo lường sự tăng trưởng 30 công ty có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản lớn nhất thị trường, chiếm tầm 70% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Như mã MBB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần quân đội), mã STB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thương Tín), mã VIC (Tập đoàn VINGROUP), …..
- VNMidcap: Là chỉ số vốn hóa đo lường sự tăng trưởng của những công ty vốn hóa cỡ vừa của ở Việt Nam. Như mã FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC), mã GTN (Công ty Cổ phần GTNFoods),…
- VNSmallCap: Thiết kế để đo lường sự tăng trưởng quy mô ở những công ty nhỏ hơn.
Sử dụng vốn hóa thị trường để đầu tư như thế nào?
Việc chia công ty theo vốn hóa thị trường giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định nhóm cổ phiếu mình cần đầu tư theo khẩu vị cũng như mục đích đầu tư tài chính của bản thân.
Bluechip: nhóm cổ phiếu vàng, phù hợp với mọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm đầu tư, chưa nắm bắt rõ thị trường
MidCap: dành cho nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, có khả năng phân tích các mã cổ phiếu ở dưới dạng tổng quát, đồng thời muốn tăng khả năng sinh lời và khả năng chịu đựng rủi ro.
Smallcap: để đầu tư nhóm công ty này, nhà đầu tư không những phải có kinh nghiệm dày dặn mà còn phải hiểu rõ về công ty, về sản phẩm, về chiến lược và người điều hành công ty. Bởi đây là nhóm cổ phiếu có rủi ro cao nhưng đồng thời cũng đem lại một lợi suất lớn nếu công ty phát triển.
Dưới đây là đặc điểm của 3 nhóm vốn hóa tại thị trường chứng khoản Việt Nam:
Bluechip | SmallCap | |
Nhóm | các công ty đứng đầu ngành, dẫn dắt thị trường | những công ty mới nổi, hướng đến thị trường ngách, hay có một USP riêng biệt |
Giá/cổ phiếu | Trên 50.000đ | Dưới 10.000đ |
Tính thanh khoản | Cao | Thấp – Trung bình |
Lợi suất | Trung bình | Cao |
Rủi ro | Thấp | Cao |
Mức độ tăng trưởng | Bão hòa, khó để mở rộng kinh doanh. | Tăng trưởng mạnh hoặc thất bại |
Chi trả cổ tức | Hàng năm và tùy theo lợi nhuận của công ty | Hầu như không chi trả cổ tức |
Hình thức đầu tư | Dài hạn – Giá trị | Ngắn hạn – Đầu cơ |
Tuy nhiên, dù bạn có là nhóm nào đi chăng nữa thì việc đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro vẫn là ưu tiên quan trọng. Không phải cứ là người ưa thích rủi ro sẽ không đầu tư Bluechip mà bạn sẽ phân bổ tài sản của mình sao cho hợp lý, vừa giúp bạn giảm thiểu rủi ro, vừa tăng khả năng sinh lời.
Tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm của VN30 với VN-Index là ngang nhau, bởi VN30 chiếm tỷ trọng lớn, dẫn dắt đà tăng trưởng của VN-Index. Cho nên nếu là một nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế tối đa rủi ro, hãy đầu tư phần lớn tài sản vào nhóm mã cổ phiếu VN30 bởi tính phổ biến, an toàn, minh bạch của các công ty thuộc nhóm mã này.
Kênh Đầu tư | Tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm với thời hạn 3 – 5 – 10 năm | |
3 năm (2018 – 2020) | 10 năm (2011 – 2020) | |
Vn-Index | 4.00% | 8.56% |
Vn-30 | 3.00% | 7.26% |
Chiến lược đầu tư cổ phiếu hiệu quả với vốn hóa thị trường
Xác định được chu kì kinh tế để biết được thời kì phát triển của các nhóm công ty có lượng vốn hóa khác nhau. Thường sự phát triển của các cổ phiếu có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ sẽ phân chia theo từng giai đoạn. Như trong thời kì phát triển với sự lớn mạnh về mặt quy mô thì những công ty vốn hóa lớn lại có thể tăng trưởng bền vững, dẫn đầu ngành. Ngược lại, với thời kì suy thoái hoặc khủng hoảng, lợi nhuận của những công ty vốn hóa lớn sẽ khó có thể bù đắp cho chi phí khổng lồ.
Ví dụ với đại dịch covid, kết hợp với sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đó, sự biến động của nền kinh tế đã giúp mã JVC, OGC hay TTF đều có sự phát triển vượt bậc so với VN-Index.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của công ty vốn hóa lớn khiến cho sự phát triển bị chậm, còn những công ty vốn hóa nhỏ lại có thể tăng trưởng thần tốc. Một công ty có lợi nhuận 100 tỷ có thể dễ dàng tăng trưởng lên 200 tỷ hơn là công ty có lợi nhuận 1000 tỷ tăng trưởng lên 2000 tỷ.
Bên cạnh xét về thời điểm đầu tư nhà đầu tư cần xem xét bản thân về:
- Mục tiêu tài chính của bạn: tăng trưởng bền vững và dài hạn hay tăng trưởng nhanh
- Khả năng chịu đựng rủi ro: ưa thích rủi ro hay trung lập với nó
- Thời gian đầu tư: dài hạn hay ngắn hạn
- Sự hiểu biết và kiến thức của bạn: về kinh tế nói chung, về tài chính và công ty nói riêng.
Các huyền thoại đầu tư như Buffett thường mua các công ty vững mạnh có vốn hóa lớn, trong khi, Peter Lynch thích đầu tư vào những công ty tăng trưởng vốn hóa nhỏ nhưng tất nhiên đó chỉ là phần lớn tài sản của họ phân bổ vào đó, chứ bản chất vẫn là sự đa dạng hóa danh mục. Vậy “Đầu tư gì năm 2021? Cách đầu tư tài chính hiệu quả”
Bên cạnh đó chiến lược đầu tư dựa vào vốn hóa thì còn rất nhiều chiến lược nữa. Bạn có thể tham khảo tại 6 Chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả
Vốn hóa thị trường là một thuật ngữ bạn cần bận tâm trước khi quyết định đầu tư cho một cổ phiếu. Nếu đang trong giai đoạn kinh tế phát triển, bạn nên đầu tư vào những cổ phiếu Bluechip có giá trị vốn hóa lớn. Nếu đang trong giai đoạn kinh tế suy thoái hoặc khủng hoảng, bạn hãy cố tìm cho mình một công ty nhỏ có tiềm năng phát triển, nó sẽ giúp bạn giàu to!