Chứng chỉ quỹ ngày càng phổ biến hơn trên thị trường chứng khoán, được đánh giá ít rủi ro hơn cổ phiếu và có tính thanh khoản cao.
Do vậy, mua chứng chỉ quỹ cũng là cách để bạn có thể tiết kiệm tiền cho quỹ khẩn cấp của mình. Vậy chứng chỉ quỹ là gì? Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ?
1. Chứng chỉ quỹ là gì?
Chứng chỉ quỹ (CCQ) là một dạng chứng khoán được phát hành bởi công ty quản lý quỹ, thể hiện quyền sở hữu một phần vốn góp trong quỹ đầu tư.
CCQ có giá tối thiểu 10.000 VND và được bán trực tiếp trên sàn chứng khoán hoặc thông qua các đại lý ủy quyền. Đây là danh mục đầu tư được nghiên cứu và chọn lọc kỹ để phân tán rủi ro cho nhà đầu tư.
Ủy thác đầu tư thông qua quỹ đầu tư là một trong những cách an toàn mà vẫn sinh lời dành cho những người mới tham gia vào thị trường chứng khoán.
Quỹ đại chúng được hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích đầu tư kiếm lợi nhuận khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác.
Giá của chứng chỉ quỹ
NAV (Net Asset Value) là giá trị tài sản hiện tại đang có của quỹ mở. NAV/CCQ là giá chứng chỉ quỹ, được quyết định bởi giá trị tài sản hiện có của quỹ và số lượng chứng chỉ quỹ đang hiện hành tại thời điểm đó.
Khi lựa chọn quỹ, giá chứng chỉ quỹ cao hay thấp có quan trọng không?
Tất cả quỹ mở thường được chào bán lần đầu với NAV/CCQ là 10.000 đồng. Theo thời gian, giá NAV/CCQ của các quỹ sẽ biến động và chênh lệch nhau.
Do đó nếu bạn so sánh giá chứng chỉ quỹ của 2 quỹ khác nhau sẽ không hợp lí do thời gian thành lập khác nhau. Bạn sẽ mua được nhiều chứng chỉ quỹ hơn khi NAV/CCQ thấp và ít chứng chỉ quỹ hơn khi NAV/CCQ cao.
Khi NAV/CCQ thấp có nghĩa là quỹ mở vừa mới được chào bán hoặc là do quỹ có lợi nhuận thấp. Ngược lại, NAV/CCQ cao có nghĩa là quỹ có lợi nhuận tốt vì đã tăng giá trị rất nhiều.
Do đó, giá chứng chỉ quỹ không phải là yếu tố quan trọng để bạn quyết định nên chọn quỹ mở nào. Lợi nhuận mà quỹ đem lại cho bạn trong tương lai mới thật sự quan trọng.
Phân biệt chứng chỉ quỹ và cổ phiếu
Về bản chất, chứng chỉ quỹ cũng giống như cổ phiếu của một công ty, đều là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu, hưởng lợi nhuận trên phần vốn góp.
Tuy nhiên, cổ phiếu và chứng chỉ quỹ cũng có những điểm khác biệt cơ bản:
Chứng Chỉ Quỹ | Cổ Phiếu | |
Mục đích đầu tư | Phương tiện để các quỹ huy động vốn, đầu tư kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. | Phương tiện huy động vốn của một công ty kinh doanh một vài ngành cụ thể |
Quyền quyết định của nhà đầu tư | Không có quyền, mọi quyền hành đều do công ty quản lý quỹ quyết định | Có quyền biểu quyết hay quản lý công ty |
Nhiệm vụ của nhà đầu tư | Do công ty quản lý quỹ thay mặt nhà đầu tư thực hiện | Tự đánh giá để ra quyết định đầu tư và theo dõi khoản đầu tư |
Nếu mua được cổ phiếu tốt thì tỷ suất lợi nhuận sẽ đạt khoảng 15% đến 20%/ 1 năm, đòi hỏi nhà đầu tư có chiến lược và kinh nghiệm.
Còn với nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm, có thể mua chứng chỉ quỹ để ủy thác cho quỹ đầu tư, thường lợi nhuận dao động từ khoảng 8% đến 15%/ 1 năm.
2. Nên mua chứng chỉ quỹ nào tốt nhất
Về cơ bản, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ đầu tư.
Quỹ có đội ngũ chuyên gia đứng ra nghiên cứu và quyết định đầu tư. Khi đó bạn trở thành nhà đầu tư thụ động và không có quyền quyết định.
Do đó, việc quan trọng của nhà đầu tư là tìm hiểu và lựa chọn một công ty quản lý quỹ tốt.
Ba tiêu chí để bạn lựa chọn quỹ:
Chiến lược đầu tư: quỹ đang tập trung vào danh mục đầu tư (tỷ trọng phân bổ của quỹ như thế nào). Xem thêm Hướng dẫn đầu tư quỹ mở
Đội ngũ chuyên gia đầu tư của quỹ: nghiên cứu các tài liệu công bố của quỹ, mục tiêu đầu tư, kinh nghiệm công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.
Lợi nhuận của quỹ trong quá khứ: dựa vào báo cáo hoạt động của các quỹ (cập nhật theo tháng, năm)
Bên cạnh đó, bạn cần cân nhắc yếu tố chi phí quản lý khi quyết định mua chứng chỉ quỹ. Chi phí bạn phải trả bao gồm phí quản lý thường niên, chi phí trả cho ngân hàng giám sát, thuế thu nhập phát sinh và chi phí khác (bán lại chứng chỉ):
Phí quản lý thường niên: Phí quản lý được tính bằng Phần trăm trên NAV của Quỹ và được Quỹ thanh toán hàng tháng cho Công ty Quản lý Quỹ. Số phí thu hàng tháng là tổng số phí được tính cho các kỳ định giá trong tháng.
Phí quản lý của kỳ định giá = [Phần trăm x (NAV tại ngày định giá) x (số ngày thực tế trong kỳ)]/ 365
Công ty quản lý quỹ không có nghĩa vụ cam kết chắc chắn là hoạt động đầu tư sẽ có lãi. Vì vậy, để hạn chế rủi ro mức thấp nhất nên lựa chọn công ty quản lý quỹ uy tín, chất lượng là việc quan trọng.
Các loại chứng chỉ quỹ
Tại thị trường Việt Nam, Chứng chỉ quỹ chia thành 2 loại chính: quỹ ETF, quỹ mở.
Chứng chỉ quỹ là một kênh đầu tư tốt với những người muốn đầu tư chứng khoán nhưng không có quá nhiều kiến thức về tài chính.
ETF và quỹ mở đều là hình thức đầu tư vào rổ chứng khoán. Với ưu điểm, đa dạng hóa đầu tư, cả 2 loại quỹ đều có rủi ro thấp hơn so với trực tiếp đầu tư cổ phiếu và đều được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia.
Vậy quỹ ETF có điểm gì khác với quỹ mở:
Đặc điểm | Quỹ ETF | Quỹ mở |
Chiến lược đầu tư | Mô phỏng chỉ số, chiến lược đầu tư thụ động | Chiến lược đầu tư chủ động, chứng khoán đầu tư được lựa chọn một cách cẩn trọng |
Giá chứng chỉ quỹ | Được xác định bởi các giao dịch trong ngày và được giữ bám sát theo giá trị tài sản ròng/đơn vị quỹ. | Được xác định là giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tại ngày giao dịch |
Giao dịch | Dễ dàng mua bán trên sàn chứng khoán | Mua trực tiếp qua quỹ phát hành |
Số vốn đầu tư tối thiểu | Mua từ 100 CCQ trở lớn | Yêu cầu vốn đầu tư tối thiểu ( ít nhất 1-2 triệu đồng) |
Phí quản lý | Thấp (0.5%- 1% NAV /1 năm ) | Cao ( 1- 2% NAV/ 1 năm ) |
Cách thức vận hành và nguyên tắc đầu tư của quỹ ETF và quỹ mở hoàn hoàn toàn khác, hướng đến khách hàng có khẩu vị đầu tư khác nhau.
Nên đầu tư quỹ ETF nào?
Quỹ ETF phù hợp với các nhà đầu tư yêu thích chiến lược đầu tư thụ động, chấp nhận rủi ro hệ thống. Tỷ suất lợi nhuận của quỹ ETF thường tùy năm, nhìn chung về dài hạn, tăng trưởng kép từ 7% trở lên.
Hiệu quả đầu tư của các quỹ nội:
Bản chất của quỹ ETF là mô phỏng thị trường nên giá thường biến động lên xuống trong ngắn hạn. Nếu bạn đầu tư quỹ ETF, nên nắm giữ ở thời gian ít nhất 1 năm để có hưởng tối đa lợi nhuận.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về quỹ ETF qua bài viết Hướng dẫn đầu tư quỹ ETF
Nên chọn quỹ mở nào?
Quỹ mở về bản chất là hình thức ủy thác vốn của nhà đầu tư vào quỹ, quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Quỹ mở sẽ an toàn hơn quỹ ETF vì được đội ngũ quản lý quỹ chủ động đầu tư, và tất nhiên bạn sẽ chịu mức phí cao hơn.
Quỹ mở được chia thành 3 loại: quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu)
Quỹ Trái Phiếu | Quỹ Cân Bằng | |
Danh mục đầu tư | Tập trung chính vào danh mục trái phiếu và các chứng khoán nợ có thu nhập cố định | Đầu tư linh hoạt vào trái phiếu, cổ phiếu theo một tỷ trọng nhất định |
Thời gian nắm giữ | Tính thanh khoản cao, bất cứ khi nào nhà đầu tư cần rút vốn | Thời hạn đầu tư ít nhất từ 12 tháng trở lên |
Khẩu vị rủi ro | Mức an toàn | Mức cân bằng |
Lợi nhuận kỳ vọng | 8-10%/năm | 9-12%/năm |
Các loại quỹ mở
Nhìn chung, cũng tùy quỹ và tuỳ năm, lãi suất của chứng chỉ quỹ mở thường dao động khoảng từ 8% đến 15%/năm.
Lợi nhuận của quỹ trái phiếu mang lại thường ổn định hơn lợi nhuận từ các Quỹ cổ phiếu hoặc quỹ cân bằng. Do quỹ trái phiếu đầu tư gần như toàn bộ tài sản vào các chứng khoán cho thu nhập cố định.
Mỗi nhà đầu tư nên có chiến lược phân bổ tài sản, phục vụ các mục tiêu tài chính dài hạn. Có thể phân bổ đầu tư chứng chỉ quỹ theo 2 loại: ngắn hạn và dài hạn
Tài sản ngắn hạn | Rủi ro thấp như gửi tiền kiệm, chứng chỉ quỹ trái phiếu để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như dành tiền cho quỹ khẩn cấp |
Tài sản dài hạn | Rủi ro cao hơn nhưng có lợi nhuận kỳ vọng cao như Quỹ Cân bằng, Quỹ Cổ phiếu và quỹ ETF. Do các quỹ biến động theo thị trường |
Ở Việt Nam có một số công ty quản lý quỹ như: I-invest, BSC, SSI, I-fund, Vietcombank, MB capital, Techcom capital, VinaCapital … Tìm hiểu thêm về quỹ mở qua bài viết Hướng dẫn đầu tư quỹ mở.
Giải thích một số thuật ngữ
- NAV( Net Asset Value) là giá trị tài sản hiện tại đang có của quỹ mở, được xác định bằng tổng giá trị thị trường các tài sản và các khoản đầu tư do Quỹ sở hữu trừ đi các nghĩa vụ nợ của Quỹ được tính đến ngày gần nhất trước Ngày Định Giá.
NAV/CCQ là giá chứng chỉ quỹ
Lợi suất đầu tư hàng năm được tính bằng công thức tăng trưởng:
Trong đó:
Giá cuối: giá trị cuối kỳ của chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ)
Giá đầu: giá trị đầu kỳ của chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ)
- Tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm (CAGR) được tính bằng công thức:
Chỉ số CAGR nhằm để biểu thị mức độ sinh lời trung bình hàng năm theo từng mốc thời gian được lựa chọn. CAGR cho nhà đầu tư thấy được bức tranh tổng, số tiền lãi trung bình sinh ra trong một khoảng thời gian dài, thay vì chỉ tập trung vào ngắn hạn 1 năm.
3. Cách mua chứng chỉ quỹ
Tùy vào từng công ty quản lý quỹ sẽ có giá trị mua tối thiểu và những quy định khác nhau, nhưng cơ bản các bước mua chứng chỉ quỹ như sau:
Bước 1: Mở tài khoản giao dịch CCQ tại công ty quản lý quỹ hoặc các đại lý phân phối của công ty.
Bước 2: Đặt lệnh mua
Bước 3: Chuyển tiền đầu tư
Bước 4: Theo dõi tài khoản trực tuyến
Ví dụ minh họa:
Bạn mua chứng chỉ quỹ tại VNDIRECT, thực hiện các bước trên như sau:
Bước 1: Đăng nhập vào Bảng giá bằng tên đăng nhập, mật khẩu giao dịch tại VNDIRECT và chọn phần Chứng Chỉ Quỹ.
Bước 2: Quý khách chọn Giao dịch Chứng Chỉ Quỹ/Đặt lệnh hoặc lựa chọn mã CCQ muốn Mua/ Bán ngay trên phần danh sách Chứng Chỉ Quỹ.
Màn hình lệnh Mua Chứng Chỉ Quỹ (CCQ):
Tài khoản khách hàng: Chọn tài khoản giao dịch CCQ
Mã quỹ: Chọn mã CCQ Quý khách muốn mua
Loại lệnh: Chọn loại lệnh Mua
Số tiền: Quý khách điền số tiền Quý khách muốn mua ( không nhỏ hơn Giá trị đầu tư tối thiểu)
Sức mua: Đây là sức mua CCQ trên tài khoản của Quý khách
Ngày giao dịch: Là ngày giao dịch gần nhất của Quỹ
Phương thức thanh toán: Quý khách có thể lựa chọn là trừ trực tiếp trên tài khoản chứng khoán hoặc chuyển từ tài khoản ngân hàng
Màn hình lệnh Bán Chứng Chỉ Quỹ (CCQ):
Tài khoản khách hàng: Chọn tài khoản giao dịch CCQ
Mã quỹ: Chọn mã CCQ Quý khách muốn bán
Loại Lệnh: Chọn loại lệnh Bán
Số lượng CCQ: Quý khách lựa chọn mã CCQ muốn bán (Số lượng CCQ bán không nhỏ hơn Số lượng bán tối thiểu. Nếu số dư CCQ còn lại nhỏ hơn Số dư tối thiểu, Quý khách cần thực hiện bán toàn bộ số CCQ còn lại trong tài khoản.)
Số lượng CCQ đang nắm giữ: Đây là số lượng CCQcó thể bán trên tài khoản của Quý khách
Ngày giao dịch: Là ngày giao dịch gần nhất của Quỹ
Bước 3: Click Tôi đồng ý và nhấn Xác nhận để hoàn tất giao dịch.
Qua ví dụ, giúp bạn hình dung các mua chứng chỉ quỹ trực tiếp qua công ty quản lý quỹ. Cơ bản giống như bạn giao dịch trên sàn chứng khoán, còn đối với chứng chỉ quỹ sẽ giao dịch qua website của quỹ.
Hy vọng bài biết đã cung cấp cho bạn kiến thức về chứng chỉ quỹ, giúp bạn có chiến lược đầu tư phù hợp. Bởi lựa chọn quỹ khác nhau sẽ quyết định mức sinh lời khác nhau.