Trong thị trường tài chính, có 2 ngày mà các nhà đầu tư thường hay nhắc đến là Ngày giao dịch không hưởng quyền và Ngày đăng ký cuối cùng. Vậy 2 ngày này có ý nghĩa gì với người chơi chứng khoán?

Ngày giao dịch không hưởng quyền hose

1. Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ không nhận được các quyền lợi của cổ đông như quyền nhận cổ tức, quyền tham dự Đại hội cổ đông hay quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…

Ngày giao dịch không hưởng quyền được xuất phát từ Ngày đăng ký cuối cùng, còn được hiểu là ngày chốt danh sách. Tại ngày đăng ký cuối cùng, cổ đông có tên trong danh sách sẽ được nhận các quyền của mình như quyền nhận cổ tức, quyền tham dự Đại hội cổ đông hay quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…

Hai ngày này sẽ đặc biệt cần lưu tâm khi bạn chuẩn bị mua cổ phiếu. Để có tên trong danh sách hưởng quyền thì bạn cần thực hiện lệnh mua trước ngày Giao dịch không hưởng quyền.

2. Những lưu ý cho Nhà đầu tư đối với Ngày giao dịch không hưởng quyền

2.1 Cổ đông cần giữ cổ phiếu bao lâu để có quyền nhận cổ tức?

Thực tế, chỉ cần bạn có tên trong danh sách chốt cổ đông vào ngày chốt quyền thì sẽ đương nhiên được nhận quyền hưởng lợi, không tính tới thời gian bạn giữ cổ phiếu lâu hay ít.

2.2 Có cần mua cổ phiếu 2 ngày trước Ngày giao dịch không hưởng quyền để lệnh của mình được thực hiện kịp thời?

Bạn không nhất thiết phải giao dịch 2 ngày trước Ngày giao dịch không hưởng quyền. Chỉ cần thực hiện lệnh mua trước Ngày chốt danh sách 2 ngày là bạn vẫn nhận đủ quyền lợi với cổ phiếu tương xứng.

Ví dụ: Bạn mua 500 cổ phiếu ngày 18/3 trong khi ngày 19/3 là Ngày giao dịch không hưởng quyền, công ty không nhận giao dịch từ ngày 21 – 24 tháng 3. Trong khi đó ngày 21/3 thì cổ phiếu mới về tài khoản của bạn. Thì bạn vẫn được nhận cổ tức của 500 cổ phiếu đã mua.

ngày giao dịch không hưởng quyền gomoney

2.3 Ngày giao dịch không hưởng quyền có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu không?

Giá cổ phiếu sẽ thường có xu hướng giảm xuống trong ngày Giao dịch không hưởng quyền. Điều này xảy ra bởi tác động của nhiều quyền một lúc nên Sở giao dịch sẽ tiến hành điều chỉnh kỹ thuật, trừ giá hoặc giảm giá cổ phiếu.

2.4 Mua cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền thì có tên trong danh sách chốt không?

Trong trường hợp bạn giao dịch ngay trong ngày giao dịch không hưởng quyền thì bạn sẽ không nhận được quyền lợi nào với số cổ phiếu đã mua. Nhiều Nhà đầu tư mới không hiểu rõ sẽ bị mức giá thấp hấp dẫn và lao vào mua cổ phiếu, trong khi việc mua cổ phiếu này không đem lại lợi ích nào cho người chơi.

3. Vì sao phải quy định Ngày giao dịch không hưởng quyền?

Quy định rõ ràng Ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ có 2 tác dụng to lớn:

Thứ nhất, cho công ty xác định được thời gian cuối cùng để thực hiện các quyền lợi của cổ đông. Các quyền có thể kể đến như là quyền cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, quyền mua khi công ty phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn,…

Thứ hai, Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày liền kề trước của Ngày đăng ký cuối cùng. Việc quy định trước ngày không hưởng quyền sẽ giúp người mua cổ phiếu nắm được lịch làm việc của công ty dễ hơn thay vì phải theo dõi hàng ngày và tự tính để lùi lại, chưa kể đến việc phải tự xem các ngày cuối tuần, ngày lễ sẽ mất thời gian, công sức của Nhà đầu tư.

4. Cách tra cứu thông tin về Ngày giao dịch không hưởng quyền

4.1 Các ký hiệu không hưởng quyền thường gặp

Vào các ngày giao dịch không hưởng quyền, trên bảng điện tử sẽ xuất hiện các ký hiệu giao dịch tương ứng như sau:

– XR: Giao dịch không hưởng quyền đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

– XD: Giao dịch không hưởng cổ tức của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

– XA: Giao dịch không hưởng cổ tức, quyền mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu trong cùng một ngày.

– XI: Giao dịch không hưởng lãi trái phiếu.

4.2 Cách tra cứu Ngày giao dịch không hưởng quyền cho Nhà đầu tư

Bạn có thể tìm kiếm thông tin qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) bằng cách nhập mã chứng khoán của công ty.

Tuy nhiên bạn sẽ chỉ biết được Ngày đăng ký cuối cùng, và phải nhìn lịch để tự tính toán Ngày giao dịch không hưởng quyền (tức ngày làm việc ngay trước đó).

Điều này là do các cơ quan nhà nước quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến thực hiện quyền (cho Nhà đầu tư). Còn cơ quan chịu trách nhiệm thông báo giá và quản lý Ngày giao dịch không hưởng quyền lại là các Sở giao dịch. Hiện nay bên Sở giao dịch chưa thiết lập được một lịch trình để tìm kiếm Lịch tra cứu Ngày đăng ký cuối cùng.

Ảnh: Bạn chỉ cần truy cập vào https://vsd.vn/home.htm và tra cứu

4.3 Quy trình tự thực hiện quyền

Đầu tiên công ty niêm yết gửi hồ sơ lên Trung tâm lưu ký để yêu cầu việc thực hiện quyền (quyền trả cổ tức tiền mặt, cổ tức cổ phiếu…). Hồ sơ bao gồm Nghị quyết đại hội thường niên, Nghị quyết Hội đồng quản trị và một số đơn từ khác. Việc duyệt hồ sơ sẽ do Phòng đăng ký của VSD đảm nhiệm.

Ảnh: VSD thông báo ngày 05/06/2019 là ngày ĐKCC của mã HPG

Sau khi hồ sơ được duyệt thì Trung tâm lưu ký sẽ ra thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông. Như ở trường hợp cổ phiếu HPG ở trên, từ ngày ra thông báo đến ngày chốt là 12 ngày (từ ngày viết bài là 24/5/2019 đến ngày 05/06/2019 mới Chốt danh sách), cũng khá lâu để thông tin được rộng rãi trên thị trường. Thông báo sẽ được đăng tải trên website của VSD, gửi cho công ty niêm yết và Sở giao dịch mà công ty đó đang niêm yết.

Tiếp theo bên Sở giao dịch sẽ có thông báo gần như đồng thời với bên VSD. Thông báo của Sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh luôn có cả 2 thông tin là Ngày đăng ký cuối cùng và ngày giao dịch không hưởng quyền. Bạn có thể tra cứu trên website: https://www.hsx.vn/

Ảnh: Thông báo của Sở HOSE về lịch chốt cổ tức của HPG