Cổ phiếu và trái phiếu kênh nào sinh lời hơn?
Trong vòng 5 năm (2016-2020), tỷ suất lợi nhuận hàng năm của cổ phiếu (đại diện là chỉ số Vn-Index) tăng tới 14%, còn trái phiếu có mức lãi suất ổn định hơn (6-13%). Nhưng nhìn ngắn hạn, trong 3 năm (2018-2020), tỷ suất lợi nhuận hàng năm của cổ phiếu chỉ ở dao động 4%, thấp hơn nhiều so với trái phiếu.
Vậy nên đầu tư cổ phiếu hay trái phiếu, chiến lược phân bổ danh mục đầu tư như thế nào?
1. Cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu là loại chứng khoán được phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ. Khi sở hữu cổ phiếu của một công ty, nhà đầu tư nắm giữ một phần của công ty và được hưởng cổ tức sau một thời gian quy định. Nhà đầu tư có thể sinh lời thêm bằng cách mua bán cách cổ phiếu trên các sàn chứng khoán để hưởng giá chênh lệch.
Nhà đầu tư mua cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch chính là HOSE, HNX, UPCOM.
Vốn hóa thị trường (Tính đến hết 7/2020) | Cơ cấu quản lý | Chỉ số toàn cảnh | |
HOSE | 3,280,000 tỷ đồng | Ủy ban Chứng khoán Nhà nước | VN-index |
HNX | 206,600 tỷ đồng | Ủy ban Chứng khoán Nhà nước | HN-index |
UPCOM | 779,479 tỷ đồng | Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội | UPCOM-index |
Tìm hiểu thêm qua bài viết Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu
2. Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là công cụ nợ dài hạn do chính phủ (trung ương hoặc địa phương) hoặc doanh nghiệp phát hành. Khi bạn mua một trái phiếu nghĩa là bạn đang cho nhà phát hành vay tiền hay còn được gọi là trái chủ. Hiểu đơn giản, bản chất của trái phiếu giống như gửi tiết kiệm, nhận một lãi suất cố định biết trước.
Để lựa chọn trái phiếu tốt cần dựa trên 2 yếu tố:
– Lãi suất
– Mức độ rủi ro
Lãi suất tỉ lệ thuận với mức độ rủi ro: lãi suất càng cao đồng nghĩa mức độ rủi ro càng lớn. Hiện nay, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hầu hết các công ty phát hành trái phiếu chưa được đánh giá tín nhiệm, nhà đầu tư cần tự đánh giá doanh nghiệp phát hành để lựa chọn trái phiếu.
Dựa vào 2 yếu tố trên, GoMoney chia trái phiếu thành 2 loại:
Trái phiếu an toàn | Trái phiếu lãi suất cao | |
Lãi suất chào bán | 6-9%/ 1 năm | 9-13%/1 năm |
Mức độ rủi ro | Thấp | Cao |
Doanh nghiệp phát hành | Doanh nghiệp phát hành uy tín, thường có tài sản đảm bảo | Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực: Bất động sản, dịch vụ tài chính… thường có lãi suất cao |
Ví dụ minh họa* | – Trái phiếu tập đoàn Masan: lãi suất 9,3%, kỳ hạn 3 năm – Trái phiếu Vinhomes: lãi suất 9.5%, kỳ hạn 1.5 năm | -CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt: lãi suất 13%/1 năm, kỳ hạn 1 năm – CTCP kinh doanh F88: lãi suất 13%, kỳ hạn 1 năm |
Để tìm hiểu về các trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý, nhà đầu tư có thể truy cập vào các website của tổ chức tư vấn trung gian.
Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn. Một số doanh nghiệp ít tên tuổi, không có tài sản bảo đảm chọn kênh trái phiếu để huy động vốn. Vì vậy, nhà đầu tư cần tránh tâm lý ham lãi suất cao, trong khi chưa từng nghe tên doanh nghiệp phát hành và bỏ qua đọc báo cáo tài chính.
Tìm hiểu thêm qua bài viết Hướng dẫn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Cổ phiếu | Trái phiếu | |
Tổng quan | Chứng chỉ góp vốn | Chứng chỉ ghi nhận nợ |
Vai trò của nhà đầu tư | Người sở hữu là cổ đông Có quyền quản trị | Người sở hữu là chủ nợ Không có quyền quản trị |
Tổ chức phát hành | Công ty cổ phần Ví dụ: các ngân hàng lớn (Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPbank…), Vincom, FPT, Vietjet Air, Masan… | Các loại hình doanh nghiệp và chính phủ Ví dụ: trái phiếu của Vincom Retail, Masan, Bưu điện Liên Việt… |
Lãi suất | Không có lãi suất | Lãi suất cố định (6%-13% / 1 năm) |
Lợi tức | Chênh lệch mua bán trên sàn chứng khoán Cổ tức: phần lợi nhuận sau thuế chia cho các cổ đông | Trả định kỳ theo đặc thù của từng loại trái phiếu ( kỳ hạn thông thường là 3 tháng; 6 tháng hoặc 1 năm) |
Kỳ hạn | Không có thời hạn, gắn liền với sự tồn tại của công ty | Dài, thông thường từ 2-10 năm |
Khả năng chuyển nhượng thứ cấp | Có, cao | Có, tùy loại trái phiếu |
Rủi ro | Độ rủi ro cao | Thường ít rủi ro, rủi ro phụ thuộc vào độ an toàn của Doanh nghiệp |
Yếu tố cân nhắc | Lựa chọn doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất | Lựa chọn doanh nghiệp có tình hình kinh doanh và tài chính vững chắc, ổn định đảm bảo trả được nợ |
4. Đầu tư cổ phiếu hay trái phiếu sinh lời hơn?
Trái phiếu bản chất là khoản cho vay, vì vậy bạn sẽ nhận được tiền và lãi sau một thời gian cố định. Do mang mức lãi suất cố định nên khả năng sinh lời của trái phiếu thấp hơn cổ phiếu. Vì vậy tùy vào khẩu vị của nhà đầu tư, sẽ chọn trái phiếu hay cổ phiếu.
Trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, ít rủi ro. Còn cổ phiếu giá biến động tăng giảm theo thời gian, phù hợp với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.
Kênh Đầu tư | 3 năm (2018 – 2020) | 5 năm (2016 – 2020) | 10 năm (2011 – 2020) | ||
Vn-Index* | 4.00% | 14.00% | 8.56% | ||
Trái phiếu | 6 – 13% |
Bảng so sánh tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm (CAGR) của cổ phiếu và trái phiếu từ năm 2016-2020
Chỉ số Vn-Index: đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Cổ phiếu luôn được xem là kênh đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng vượt xa lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trong 3 năm gần đây (2018-2020) không thực sự hấp dẫn khi tỷ suất lợi nhuận không quá vượt trội, tỷ suất lợi nhuận hàng năm chỉ ở mức 4%. Trong khi đó trái phiếu vẫn ổn định với mức lãi 6-13%.
Thống kê của GoMoney cho thấy tỷ suất lợi nhuận hàng năm (CAGR) của VN-Index trong vòng 10 năm qua (2011-2020) là khoảng 8,56%/năm. Hiểu đơn giản giống như bạn nắm giữ cổ phiếu trong vòng 10 năm với lãi suất kép 8.56%/năm. Sau khi trừ đi phí dịch vụ cho công ty chứng khoán, thì mức này chỉ ngang bằng so với lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn vốn có mức độ rủi ro thấp.
Nhìn dài hạn trong 10 năm (2011-2020), trái phiếu là kênh đầu tư hiệu quả hơn với lãi suất trung bình hàng năm dao động khoảng 8-10%
Tỷ suất lợi nhuận hàng năm của Vn-Index trong 10 năm (2011 – 2020)
Nhìn lại 10 năm qua (2011-2020), Vn-Index tăng trưởng 127% và có tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm 8.56%. Thị trường chứng khoán luôn biến động, không phải năm nào cũng tăng. Trong đó tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2017 (lên đến 48%); giảm mạnh nhất vào năm 2011 (-28%).
Trong bức tranh tổng quan, về dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng tăng và là kênh đầu tư hấp dẫn. Nếu bạn chịu được mạo hiểm để có khả năng thu lời lớn, bạn có thể đặt tỷ lệ đầu tư cổ phiếu nhiều hơn trái phiếu. Nếu bạn không muốn mạo hiểm để bảo toàn nguồn tiền ban đầu thì có thể đầu tư lâu dài bằng quỹ ETF( mô phỏng thị trường), quỹ mở (đầu tư chọn lọc của chuyên gia quỹ)
5. Chiến lược phân bổ danh mục đầu tư
Để hạn chế rủi ro các nhà đầu tư không nên để hết trứng vào 1 rổ, mà thay vào đó đa dạng hóa danh mục đầu tư, tức là vừa đầu tư trái phiếu và cổ phiếu.
Nếu bạn muốn tìm hiểu cách phân bổ cho nhiều tài sản đầu tư khác, bạn có thể đọc thêm bài Chiến lược đầu tư tài chính an toàn và hiệu quả
Có 2 yếu tố quyết định chiến lược phân bổ tài sản:
– Thời gian đầu tư
– Khẩu vị rủi ro
Thông thường, danh mục đầu tư của bạn cho thể chia 60% cho cổ phiếu và 35% cho trái phiếu, 5% tiền gửi hoặc có thể cao hơn phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng chịu rủi ro của bạn.
Cùng tìm hiểu qua bảng dưới đây, để khám phá phong cách đầu tư của bạn:
Thời gian đầu tư ngắn | Thời gian đầu tư dài | |
Khẩu vị rủi ro thấp | Thận trọng | Trung lập |
Khẩu vị rủi ro cao | Trung lập | Mạo hiểm |
– Nhà đầu tư theo xu hướng mạo hiểm: chấp nhận rủi ro cao và không sợ biến động thị trường. Danh mục đầu tư tập trung từ 80% trở lên vào cổ phiếu.– Nhà đầu tư theo xu hướng thận trọng: ưu tiên bảo toàn vốn hơn tối đa hóa lợi nhuận. Danh mục đầu tư tập trung nhiều hơn vào trái phiếu và tiền gửi. ( ví dụ: 50% trái phiếu, 10% tiền gửi, 40% cổ phiếu)
– Nhà đầu tư theo xu hướng trung lập: mức độ rủi ro trung bình, cân bằng theo cấu trúc 50/50 ( 50% là cổ phiếu, 50% là trái phiếu và tiền gửi)
Việc cân bằng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu để tối ưu lợi nhuận có thể là bài toán khó với nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc và đầu tư qua quỹ mở trước, để làm quen với thị trường. Quỹ mở là quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư, với danh mục đầu tư là cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản cố định khác được phân bố theo tỷ trọng.
Bạn lựa chọn quỹ mở có chiến lược đầu tư phù hợp với bạn, và mô phỏng cách phân bổ danh mục đầu tư (Ví dụ: 50% cổ phiếu, 50% trái phiếu hoặc nếu bạn muốn mạo hiểm nhiều hơn thì chia 80% cổ phiếu, 20% trái phiếu)
Ví dụ minh họa:
Bước 1: Tìm hiểu về các quỹ mở và chiến lược đầu tư
Bước 2: Bạn chọn mô phỏng theo Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Chiến Lược VCBF theo tỷ trọng đầu tư vào 50% cổ phiếu, 50% trái phiếu và tiền
Danh mục đầu tư của quỹ VCBF-TBF
Bước 3: Phân bổ danh mục của bạn dựa theo danh mục của quỹ.
Ví dụ: Mô phỏng đầu tư theo 5 mã chứng khoán chứng khoán có giá trị cao nhất mà quỹ lựa chọn
Danh mục đầu tư của quỹ VCBF-TBF
Danh mục đầu tư được các chuyên gia của quỹ đã tìm hiểu và nghiên cứu trước, nên bạn có thể tham khảo và mô phỏng theo. Việc mô phỏng theo danh mục đầu tư của quỹ giúp bạn bước đầu làm quen khi tự đầu tư trực tiếp.
Kết luận
Nhìn chung, đầu tư cổ phiếu sẽ hiệu quả hơn hẳn so với trái phiếu nếu bạn chọn được cổ phiếu tốt. Để giảm thiểu mức độ rủi ro và tối ưu lợi nhuận, bạn có thể linh hoạt đầu tư cả hai kênh với tỷ trọng phù hợp.