Cổ phiếu ngành ngân hàng được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng tới 27,6%, cao gấp 2 lần so với VN-Index (2020). Một số cổ phiếu ngành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt tới gần 90% như ngân hàng SHB, VIB, LienVietPostBank trong năm 2020. Như vậy, NĐT có nên chọn cổ phiếu ngân hàng vào danh mục đầu tư trong năm 2021?

1. Cổ phiếu ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt

Cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất TTCK

Từ sau khi thị trường giảm mạnh vào 3/2020 với dịch COVID-19 bùng phát, TTCK đã phục hồi nhanh chóng với vốn hóa đạt 3,878 nghìn tỷ VND trong năm 2020, tăng trưởng 18% so với 2019.

Cơ cấu vốn hóa toàn TTCK theo các ngành (11/2020)

Việc tăng trưởng quy mô vốn hóa TTCK trong năm 2020 không thể không nhắc đến cổ phiếu ngân hàng. Nếu như năm 2019, ngành ngân hàng chiếm 26% vốn hóa thị trường thì tới năm 2020, con số này đã tăng lên 29% (11/2020). Trong thời điểm khủng hoảng, việc gia tăng tỷ trọng này là yếu tố cho thấy cổ phiếu ngân hàng vẫn chống chịu tốt trước những biến động kinh tế trong khi các ngành khác như bất động sản, tiêu dùng, tiện ích đều có tỉ trọng giảm so với 2019.

Năm 2020, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá

Tăng trưởng giá theo nhóm ngành (2020) Nguồn: MB Security

So với toàn ngành, giá của cổ phiếu ngân hàng có sức bật tới gần 80% so với đầu năm 2020, do hỗ trợ từ Thông tư 01 của chính phủ cho phép ngân hàng tái cơ cấu dư nợ cho vay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid 19 nhưng không phải chuyển nhóm nợ và chưa phải trích dự phòng trong vòng 01 năm tới.

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng so với cùng kỳ năm trước (%) Nguồn: MB Security

Tuy nhiên, cùng với việc phục hồi chung của toàn ngành, CP ngành ngân hàng được phân hóa rõ rệt thành 2 nhóm với 13 cổ phiếu tăng và 7 cổ phiếu giảm:

  • Nhóm 1 gồm các cổ phiếu có biến động giá trên 20%, nổi trội nhất là 2 mã CP VIB và LPB (LienVietPostBank) có tăng trưởng tới gần 80%. Đây cũng là 8 ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong 9T2020.
  • Nhóm 2 gồm các ngân hàng có giá thấp hơn thời điểm 1/2020 và có lợi nhuận cùng kỳ năm 2019 giảm (BID, TCB, MBB, BID)

Tình hình kinh doanh của các ngân hàng khả quan trong năm 2020

Trong 9T2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ (theo SSI Research). Mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 26,9% so với cùng kỳ trong năm 2019, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng vẫn khả quan hơn so với các ngành khác. 

Tăng trưởng tín dụng tốt ở NHTM cổ phần

Trong Q3/2020, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt 6,1% so với đầu năm mặc dù bị chững lại trong nửa đầu 2020 do dịch COVID-19 bùng phát. Các NHTMCP có mức tăng trưởng tốt hơn so với NHTMNN (+1,1% so với quý trước và +3,4% so với đầu năm), nổi bật là các cổ phiếu TCB, TPB và VIB với mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành 23%.

Chú thích: SOCBs: Ngân hàng TM Quoc Doanh / JOCBs: Ngân hàng TM Cổ phần

Chú thích: LDR (Loan to Deposit Ratio): tỉ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn, được tính bằng cách lấy số dự nợ cho vay khách hàng chia cho số vốn lưu động của ngân hàng. Chỉ số dùng để đánh giá mức độ an toàn của các ngân hàng với tỉ lệ an toàn thông thường là 80-90%.

Trong năm 2020, thanh khoản của ngành ngân hàng khá dồi dào với hệ số LDR giảm xuống còn 87% (2020) do tăng trưởng tiền gửi bình quân cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong năm 2020.

Lợi nhuận của các ngân hàng không bị tác động xấu bởi khủng hoảng kinh tế

Nguồn: SSI Research

Chú thích: 

  • CASA (Current Account Saving Account) là tiền gửi không kỳ hạn mà khách hàng có thể gửi, rút tiền bất cứ lúc nào với lãi suất hưởng theo ngày gửi. Chỉ số CASA càng cao tức là ngân hàng huy động được càng nhiều tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp, do đó giảm được chi phí so với tiền gửi có kỳ hạn. 
  • NIM (Net Interest Margin) là biên độ lãi ròng chỉ sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi suất và các chi phí lãi mà ngân hàng phải trả cho người gửi. Chỉ số này dùng để đánh giá về lợi nhuận của một doanh nghiệp tài chính trong đó NIM càng cao thì hoạt động đầu tư càng tốt.

Lợi nhuận từ việc kinh doanh của ngân hàng có phục hồi đáng kể với NIM tăng tới 3,67%, mức cao nhất trong 12 quý liên tiếp. Nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm, tỷ lệ các khoản tiền gửi không kỳ hạn được cải thiện (CASA) và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc.

Bên cạnh đó, các hoạt động cho vay tập đoàn lớn và trái phiếu doanh nghiệp rất sôi nổi 6 tháng đầu năm 2020 do nghị định 81 quy định về việc hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong Q3 tăng vọt 95% so với cùng kỳ (164,4 nghìn tỷ đồng). Tổng trái phiếu doanh nghiệp do các NHTM sở hữu tăng 69,5% so với đầu năm, trong đó mức tăng mạnh nhất ở TCB, SHB, VPB, MBB và TPB.

Tuy nhiên, nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn tồn đọng sau COVID-19

Mặc dù chi phí dự phòng trong 9T2020 tăng mạnh +8,9% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu bình quân vẫn tăng lên 1,77% (Q3/2020) từ mức 1,68% (Q2/2020). Ngoại trừ TCB có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại các NHTM khác đều tăng trong khoảng 0,2%-0,7%.  Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/9/2020 là 91,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước. 

2. Cổ phiếu ngân hàng phổ biến nhưng lại tiềm ẩn biến động lớn

Với nền tảng kinh doanh tốt, cổ phiếu ngân hàng trở nên phổ biến với nhiều người, nói cách khác là tính đại trà. Do vậy, cổ phiếu ngành này thu hút rất nhiều tầng lớp tham gia từ nhà đầu tư, người kinh doanh, tới người đầu cơ. Do vậy, tính ổn định của cổ phiếu ngân hàng sẽ không cao, lợi nhuận có thể tăng rất nhanh nhưng cũng giảm rất sâu.

Ví dụ, năm 2018, cổ phiếu Vietinbank (CTG) tăng mạnh tới 38.100 VNĐ chỉ trong vòng 3 tháng, tuy nhiên giá cũng giảm 48% chỉ trong vòng 2-3 tháng. Nếu nhà đầu tư mua CTG trong thời điểm vùng đỉnh năm 2018, họ phải đợi 3 năm tới 2021 mới có thể có lời đáng kể, chưa kể tới giá trị của tiền về mặt lâu dài sẽ giảm.

3. Có nên đầu tư cổ phiếu trong năm 2021

Nếu khả quan, trong tháng 9/2021, FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp và chính thức từ tháng 3/2022. Do vậy, TTCK có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và cổ phiếu ngành ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi.

Hơn nữa, xu hướng của ngành ngân hàng vẫn sẽ được ảnh hưởng tích cực trong giai đoạn kinh tế bắt đầu phục hồi. Theo báo cáo của tập đoàn tài chính Mirae Asset, lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng trong 2021 tăng trưởng 22%, bên cạnh các nhóm ngành tăng trưởng mạnh trong 2021 như Bất Động Sản, Vận Tải, Xây Dựng, Năng Lượng.

Cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị trong 2021 (Nguồn: SSI Research)

Như vậy, NĐT vẫn có thể chọn cổ phiếu ngành ngân hàng trong danh mục đầu tư, tuy nhiên, do giá các cổ phiếu cũng tặng mạnh trong 2020, NĐT cần cân nhắc chọn các mã cổ phiếu “khỏe” với đúng thời điểm giá rẻ khi thị trường điều chỉnh để có được lợi nhuận tốt nhất. 

Việc đa dạng hóa các danh mục đầu tư cổ phiếu rất quan trọng, bên cạnh việc chọn cổ phiếu ngành ngân hàng, NĐT có thể phân bổ dòng tiền sang các cổ phiếu ngành nổi bật trong 2021 như Bất Động Sản, Xây Dựng, Bán Lẻ… Xem thêm: Hướng dẫn đầu tư Cổ phiếu.