Tại Việt Nam, tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc chạm mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tăng 132,1 nghìn người so với năm 2019, gây trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế quốc gia.
Nhằm đối phó với tình trạng này, Bảo Hiểm Thất Nghiệp (BHTN) đã ra đời và được xem như là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động hiện nay. Tính đến nay, cả nước có hơn 13,43 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,5% dân số trong độ tuổi lao động.
Vậy, Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Bảo hiểm thất nghiệp cung cấp những lợi ích gì cho người lao động? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ thêm!
Bảo Hiểm Thất Nghiệp là một loại bảo hiểm xã hội hỗ trợ một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, đồng thời giúp người lao động duy trì và tìm kiếm công việc, tạo cơ hội học nghề.
Theo điều 42 Luật Việc làm 2013, có 04 chế độ quyền lợi cho người tham gia, đó là:
Trợ cấp thất nghiệp;
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
Hỗ trợ học nghề;
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Nhìn chung, với loại hình bảo hiểm này, người lao động được bảo vệ và chăm sóc chu đáo về mặt tài chính, hỗ trợ tìm việc khi rơi vào trạng thái mất việc bởi bất kỳ lý do nào đó ngoài ý muốn.
2.1. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động tham gia ký kết các hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việcphải tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Hợp đồng lao động xác định thời hạn
Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Tóm lại, Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm mà người lao động bắt buộc phải đóng khi đi làm trong các doanh nghiệp. Người làm việc tự do (freelancer) do không đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ không không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay lương hưu.
2.2. Điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp
2.2.1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật;
– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng BHTN từ đủ:
– 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn;
– 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 -12 tháng.
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp:
– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
– Đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
– Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc;
– Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
– Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Tử vong.
2.2.2. Điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ;
- Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
2.2.3. Điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (Áp dụng cho người sử dụng lao động)
- Đóng đủ BHTN cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ;
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;
- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tóm lại, BHTN là một trong các bảo hiểm phục vụ lợi ích của người lao động. Do đó, người lao động nên cân nhắc lựa chọn các công ty có chế độ đóng bảo hiểm phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mình.
3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (2021)
Mức đóng hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động thường bằng 1% tiền lương tháng, trong đó có mức tối thiểu và tối đa tùy theo vùng và tính chất công việc.
3.1. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu ( 2021)
Mức đóng tối thiểu bảo hiểm thất nghiệp được quy định:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện làm việc bình thường:
- Cao hơn ít nhất 5% đối với người làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 7% đối với người làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Cao hơn ít nhất 7% đối với công việc phải qua đào tạo, học nghề.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu năm 2021 ( đơn vị: đồng/ tháng)
Vùng | Người làm việc trong điều kiện bình thường | Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
I | 44.200 | 46.410 | 47.294 |
II | 39.200 | 41.160 | 41.944 |
III | 34.300 | 36.015 | 36.701 |
IV | 30.700 | 32.235 | 32.849 |
3.2. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa ( 2021)
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa dành cho cá nhân có mức lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa năm 2021 ( đơn vị: đồng/ tháng)
Vùng | Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa |
I | 884.000 |
II | 784.000 |
III | 686.000 |
IV | 614.000 |
4.1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính như sau:
Mức hưởng hàng tháng = Trung bình cộng tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liên tiếp trước khi thất nghiệp x 60%
Trong đó:
Mức hưởng này tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Tại thời điểm tháng 1 năm 2021, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp không vượt quá 22,5 triệu/ tháng.
Hỗ trợ học nghề: Tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 06 tháng.
4.2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 01 tháng trợ cấp, tuy nhiên thời gian được hưởng trợ cấp không vượt quá 1 năm.
Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
5.1. Những hồ sơ cần có
Hồ sơ đề nghị hưởng BHTN theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:
– Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc;
– Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng);
– Quyết định thôi việc;
– Quyết định sa thải;
– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
– Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
Sổ bảo hiểm xã hội.
5.2. Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Để hưởng BHTN, người lao động thực hiện 04 bước sau:
Bước 1: Nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng BHTN tới trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Bước 2: Nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
Bước 3: Tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bước 4: Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
Người lao động nhận BHTN tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu. Người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Đặc biệt, với người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh, muốn đăng ký BHTN chỉ cần gọi 1080 để đặt lịch hẹn và mang đầy đủ hồ sơ, viết phiếu khai báo và ngồi chờ nhân viên tính mức hưởng hàng tháng.
6. Hướng đi nào cho lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Với những lao động không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp họ đảm bảo được những quyền lợi của mình khi gặp tình trạng khó khăn, phòng ngừa, hạn chế những thiệt hại từ những rủi ro, sự cố bất ngờ ập tới.
Điểm đặc biệt ở Bảo hiểm nhân thọ chính là khách hàng không phải lo lắng nhiều khi gặp phải tình huống trong kinh doanh vì bảo hiểm có chức năng chính là bảo vệ nguồn thu nhập cho những người làm kinh doanh tự do.
Bảo hiểm thất nghiệp là một hướng đi an toàn cho người lao động Việt Nam, đặc biệt đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, việc đóng Bảo hiểm thất nghiệp đều đặn, thường xuyên là một việc tối quan trọng để đảm bảo cho tương lai.
Với nhóm lao động làm việc tự do, bảo hiểm nhân thọ sẽ là một lựa chọn thay thế phù hợp cho bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo đáp ứng đủ những yêu cầu cơ bản của bản thân trong thời điểm khó khăn.