Chiến lược đầu tư là một yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và biết mình cần làm gì khi thị trường biến động mạnh. Để đầu tư chứng khoán hiệu quả ở thị trường Việt Nam, bạn cần hiểu rõ 6 chiến lược sau: cổ tức, cổ phiếu giá rẻ tiềm năng, đầu tư thụ động, đầu tư tăng trưởng, đầu tư theo đà tăng trưởng và đầu cơ lướt sóng.
Vậy đâu sẽ là chiến lược dành cho bạn? Hãy cùng Gomoney tìm hiểu 6 chiến lược cơ bản dưới đây
Chiến lược đầu tư cổ tức là chiến lược nhà đầu tư dài hạn sử dụng để tăng lợi suất nắm giữ của mình khi các công ty trả cổ tức từ khoản lợi nhuận sau thuế. Ở Việt Nam, các nhà đầu tư quá kì vọng vào ăn “chênh lệch” mà không để ý đến nguồn thu nhập cực kì hấp dẫn của bản thân cổ tức như các nhà đầu tư giá trị đang làm.
Vậy đầu tư cổ tức có phù hợp với bạn không?
Câu trả lời là có nếu bạn là một nhà đầu tư giá trị, bởi đầu tư cổ tức đồng nghĩa với việc bạn sẽ giữ vốn của mình tại một công ty vài năm. Để khi sự phát triển của công ty phản ánh dựa trên giá cổ phiếu và số lượng cổ tức trả về sẽ là một khoản lợi nhuận lớn cho bạn
Còn nếu bạn chỉ mua cổ phiếu vào thời điểm công ty trả cổ tức thì bạn sẽ không lời đâu, bởi khoảng thời gian đó cũng là khoản thời gian giá cổ phiếu tăng tương đương với cổ tức nhà đầu tư được nhận. Có lẽ một vài lý do và số liệu dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chiến lược đầu tư này.
Nhìn vào biểu đồ trên, các nhà đầu tư cũng thế nhận ra rằng lợi nhuận từ cổ tức của một số doanh nghiệp hàng đầu thậm chí còn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm kì hạn 1 năm. Ví dụ, tỷ suất cổ tức của Petrolimex (PLX) khá cao, gần 7.7%.
4 lý do vì sao nên đầu tư cổ tức bạn cần biết
- Cổ phiếu cổ tức là một dạng đầu tư vào công ty nên có một giá trị tốt
- Lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng giảm dần dẫn đến kênh đầu tư tiết kiệm truyền thông bị giảm giá tri
- Chiến lược đầu tư cổ tức mang lại thêm một nguồn thu nhập ổn định và lãi suất tương đối ổn(từ 3% đến 7%) bên cạnh việc mua bán chênh lệch
- Lãi suất cho vay giảm mạnh khiến DN tăng khả năng vay vốn dẫn đến tăng lợi nhuận và tăng tỉ lệ chi trả cổ tức phù hợp với những công ty lớn không có nhu cầu tái đầu tư.
Vậy làm sao để có thể chọn đúng doanh nghiệp với mức tổ tức vượt trội như vậy?
Thứ nhất chọn đúng ngành bằng các cách cơ bản sau:
- Doanh nghiệp với những ngành nghề kinh doanh ổn định, có thể tăng trưởng trong tương lai. Ví dụ như ngành điện ngành nước.
- Đặc thù kinh doanh mang lại dòng tiền lớn, ít tái đầu tư và thâm dụng
- Ngành với những công ty hiện đang độc quyền, hay độc quyền tập đoàn với tính cạnh tranh không cao
Thứ hai hãy chọn đúng doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp đã trải qua thời kì phát triển, đang trong giai đoạn ổn định. Bởi lúc đó họ sẽ tập trung trả cổ tức để hấp dẫn thêm nguồn vốn.
- Doanh nghiệp top đầu ngành. Đó là những doanh nghiệp uy tín và ổn định(ví dụ: Vinamilk, HoaPhat,… các doanh nghiệp trong VN30)
- Doanh nghiệp có có ban lãnh đạo (BOD) liêm chính với tỉ lệ trả cổ tức những năm gần đây cao hơn lạm phát ví dụ như: SJD với 11.8%, NCT với 11% cao hơn mức lạm 3.23% trong năm 2020.
- Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh: Chi phí sản xuất thấp, công nghệ độc quyền, chi phí chuyển đổi cao,….
1.2 Chiến lược đầu tư giá trị
Đầu tư giá trị là gì?
Đầu tư giá trị là phương pháp nhà đầu tư sử dụng bằng cách chọn những cổ phiếu có giá trị thị trường hiện tại thấp hơn với giá trị nội tại hay giá trị sổ sách của công ty. Nhà đầu tư tin rằng thị trường đang phản ứng thái quá với các tin tốt, tin xấu của công ty dẫn đến sự thay đổi về giá của cổ phiếu không đúng so với yếu tố cơ bản của công ty.
Một số sai lầm của các NĐT khi đi theo chiến lược đầu tư giá trị
Đầu tư giá trị là đầu tư dài hạn?
Đầu tư giá trị là cách bạn nhìn nhận một công ty và cổ phiếu công ty đó, chứ không chỉ đơn thuần là thời gian bạn nắm giữ.
Bởi đầu tư giá trị là việc mua bán dựa trên sự sai lệch giữa hai loại giá nên chỉ cần đợi sự phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hay việc chờ một công ty được PR khen ngợi quá nhiều cũng có thể khiến giá biến động. Thời gian có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng, hay thậm chí là vài năm.
Cứ giảm sâu là “cổ phiếu giá rẻ tiềm năng?”
Dù sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến cho nhiều cổ phiếu giảm sâu xuống dưới mệnh giá thì công ty vẫn phải làm ăn có lãi và hoạt động doanh nghiệp phải được duy trì ổn định
Nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thị trường đang đi xuống và thấy rằng giá cổ phiếu đang tụt sâu mà không để ý đến tình hình kinh doanh công ty thì sẽ cực kì nguy hiểm. Nhà đầu tư phải tìm hiểu rõ về “tình hình sức khỏe” của công ty dựa vào Bảng cân đối kế toán, bảng kết quả hoạt động kinh doanh xem lợi nhuận liệu có tăng trưởng đều qua các năm, và tìm hiểu kĩ để có thể biết rằng “Công ty đang bị đánh giá thấp” hay “Công ty đang thực sự mất đi giá trị”
Thông tin về người quản lý công ty không đáng để bận tâm?
Yếu tố thứ 3 các nhà đầu tư nhìn vào đó chính “Đầu não” của công ty bởi chọn một công ty để đầu tư giá trị thì đây là điều không thể thiếu khi đánh giá cổ phiếu.
Các nhà đầu tư cần chú ý đến tínhchuyên nghiệp cũng như tính minh bạch của các nhà quản trị công ty trước khi đưa ra quyết định bởi sự phát triển của một công ty thì yếu tố then chốt chính là bộ mặt của công ty, những người điều hành và đưa ra quyết định trong công ty
Vậy liệu bạn có phù hợp với đầu tư giá trị?
Về bản chất, đầu tư giá trị phù hợp với mọi nhà đầu tư, giúp họ định hình được bản chất của đầu tư là cách kiếm lời bằng cách dùng tiền để sinh ra tiền, và để có thể đầu tư giá trị một cách hiệu quả thì thời gian nắm giữ của nó phải trên 6 tháng
Benjamin Grahama từng nói:
Vì vậy câu hỏi đúng ra phải là: “Nên áp dụng đầu tư giá trị trong trường hợp nào?”
“Be greedy when others are fearful” tức là khi thị trường đang xuống và niềm tin của NĐT đã mất thì lúc này cũng chính là thời gian vàng cho các NĐT giá trị.
1.3 Chiến lược đầu tư thụ động hay đầu tư chỉ số (Passive investment)
Đầu tư thụ động là hình thức nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách hạn chế mua và bán thông qua việc ủy quyền đầu tư cho các quỹ. Theo đó các quỹ sử dụng vốn được ủy thác để đầu tư nhómchỉ số cổ phiếu phổ biến như VN30, VN100, VNX50.
Nếu bạn là người đi làm bận tối mắt tối mũi, có một khoản tiền muốn đầu tư nhưng không có thời gian để theo dõi thị trường! Hoặc bạn là người có một khoản tiền nhàn dỗi và không có nhiều kiến thức về đầu tư! Hay bạn chỉ đơn giản muốn gửi tiền vào một nơi lợi suất cao và rủi ro thấp
Thì đầu tư thụ động sẽ cực kì phù hợp với các bạn. Bởi lẽ không những chi phí quản lí, chi phí phân tích thấp (từ 0-0.5%) mà còn đa dạng trong từng loại quỹ. Dựa vào khẩu vị rủi ro khác nhau ta có 3 loại quỹ cơ bản dưới đây:
Quỹ ETF (Exchange Traded Fund)
Quỹ đầu tư ETF là một quỹ đầu tư thụ động với mục đích chính là mô phỏng đầu tư theo một số chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và đa số là cổ phiếu. Đầu tư quỹ ETF phù hợp với các NĐT có vốn rảnh rỗi nhưng không có đủ thời gian để quan tâm danh mục đầu tư của mình.
Dưới đây là một vài performance các quỹ ETF tại Việt Nam với mức lợi suất mong ước của NĐT.
QUỸ | Tổng NAV (tỷ VNĐ) | 2020 |
Quỹ ETF VFMVN30 | 7343.44 | 21.38% |
Quỹ ETF VinaCapital VN100 | 81.21 | 33.53% |
Quỹ ETF SSIAM VNX50 | 190.82 | 21.81% |
FTSE Vietnam | 6778.4 | 12.8% |
VanEck Vectors Vietnam ETF | 9519.4 | 7.87% |
KIM Kindex Vietnam VN30 ETF | 3784.8 | 11.64% |
Nhìn vào bảng ta có thể thấy rằng sự biến động của các quỹ theo các năm khá tương đồng bởi đa số các quỹ ETF thường tham chiếu theo chỉ số các BLUECHIP- cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, nhưng lợi nhuận mỗi quỹ sẽ khác nhau bởi sự phân bố tỉ trọng vốn vào các cổ phiếu là khác nhau.
Tuy nhiên để chọn một quỹ có performance tốt thì có lẽ là ETF VFMVN30 bởi dù giá trị tài sản ròng rất lớn (7343 tỷ) nhưng vẫn đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận trung bình cao (15%) và ổn định so với thị trường
Quỹ cân bằng
Nếu quỹ ETF là quỹ mở đầu tư theo chỉ số của một dạng tài sản thì quỹ cân bằng là một quỹ mở phân bổvào cả cổ phiếu và tài sản thu nhập cố định (trái phiếu) với mức rủi ro trung bình. Quỹ cân bằng phù hợp với người Việt Nam bởi có sự kết hợp giữa dạng đầu tư truyền thống (lãi cố định giống tiền gửi) vào trái phiếu và đầu tư vào cổ phiếu có lợi suất cao, giúp NĐT có thể lựa chọn quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.
Dưới đây là một vài performance của các quỹ cân bằng tại Việt Nam.
Tên đầy đủ | 2019 | 2020 |
Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt | 1.41% | 7.67% |
Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam | 10.60% | 24.85% |
Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Chiến Lược VCBF | 4.01% | 7.87% |
Nhìn vào bảng trên ta có thể nhận ra rằng quỹ VFMVF1 có performance tốt với tỉ suất lợi nhuận trung bình lên tới 16%/năm, cao so với mặt bằng chung của các quỹ cân bằng, nhưng tỉ lệ biên lợi nhuận cao, không ổn định nên nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi chọn.
Quỹ đầu tư bảo hiểm
Quỹ đầu tư bảo hiểm hay quỹ bảo hiểm liên kết đầu tư là một nghiệp vụ của bảo hiểm nhân thọ có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Hiện nay trên thị trường có hai loại hình bảo hiểm là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị trong đó:
Bảo hiểm liên kết chung(Quỹ mở): bên mua bảo hiểm được hưởng theo kết quả đầu tư của quỹ nhưng không thấp hơn lãi suất cam kết ghi trên hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ hợp đồng cam kết 5% nhưng nếu quỹ kinh doanh tốt vẫn có thể nhận 6% đến 7%
Bảo hiểm liên kết đơn vị: bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm vào các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư. Lãi suất có thể 10%, 12% lên đến tận 15% nhưng cũng có năm chỉ 1%, 2% tùy thuộc vào performance của quỹ được ủy thác.
Dưới đây là một số performance các quỹ của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam
Quỹ | Tên quỹ | 2020 |
Prudential | Cổ phiếu | 14% |
Prudential | Tăng Trưởng | 14% |
Prudential | Cân Bằng | 14% |
Manulife | Tăng trưởng | 9.7% |
Manulife | Cân Bằng | 13% |
Dai-ichi | Tăng Trưởng | 17% |
Dai-ichi | Quỹ Bảo Toàn | 6.1% |
Nhìn vào bảng ta có thể thấy rằng quỹ bảo hiểm đầu tư rất đa dạng và với từng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thì lại có các quỹ:
- Phát triển: phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao.
- Cân bằng: phù hợp với nhà đầu tư trung tính với rủi ro.
- Bảo toàn: phù hợp với nhà đầu tư an toàn, sợ rủi ro.
1.4 Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng
Đầu tư theo đà tăng trưởng là gì?
Đầu tư theo đà tăng trưởng là hình thức nhà đầu tư sẽ mua vào những loại cổ phiếu có quán tính tăng mạnh, cổ phiếu tăng mạnh là cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường nên những cổ phiếu này sẽ mang lại hiểu quả cao hơn thị trường.
Từ đó, các nhà đầu tư sẽ chủ động hơn thị trường, không bị cuốn theo thị trường và không đi theo số đông.
Đầu tư theo đà tăng trưởng rất phù hợp với các NĐT cá nhân, bởi:
Đa số các cổ phiếu này sẽ có xu hướng tăng trước và giảm sau thị trường, thậm chí khi các cổ phiếu khác đã giảm sâu nhưng cổ phiếu này phải mất một khoảng thời gian sau để bắt đầu hạ nhiệt.
Vì thế, những cổ phiếu có xu hướng trên đà tăng giá luôn được coi là động lực tăng trưởng thị trường chứng khoán, giúp NĐT trong mọi quyết định giao dịch luôn chủ động hơn.
Hầu hết các nhà đầu tư có được lợi nhuận nhiều hơn khi thị trường bắt đầu đi lên. Ngược lại, đa số đều thua lỗ giao dịch mỗi khi thị trường đi xuống. Ta có thể thấy rằng, nếu cổ phiếu đang có đà tăng trưởng, nếu bạn mua chúng với giá cao chắc chắn bạn sẽ bán cho người khác với giá cao hơn và tiếp tục người này lại bán ra loại cổ phiếu thị trường với giá cao hơn nữa.
Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng của William J. O’Neil
Ông là người phát triển lý thuyết kinh doanh chứng khoán gọi là CANSLIM. Theo lý thuyết này của ông, giá một cổ phiếu sẽ chuẩn bị tăng khi có một hay nhiều đặc điểm sau đây:
C – Current Quarter: Lợi nhuận trong quý tăng trưởng ít nhất 25%.
A – Annual Earning: Lợi nhuận năm tăng trưởng so với ba năm trước ít nhất 25%.
N – New Factors: Yếu tố mới, chẳng hạn sản phẩm mới, quản lý mới.
S – Supply and Demand: Khi lượng cổ phiếu giao dịch tăng cao.
L – Leader or Laggard: Giá cổ phiếu đi theo khuynh hướng những cổ phiếu hàng đầu.
I – Institutional Sponsorship: Khi các nhà đầu tư tổ chức mua và sở hữu.
M – Market Direction: Khi có 75% số cổ phiếu trên thị trường đi theo xu hướng của nó.
Các nhà đầu tư có thể dựa vào mô hình của ông để xác định công ty sẽ phát triển mạnh và chọn những cổ phiếu “sẽ” có đà tăng trưởng mạnh, thay vì chọn những cổ phiếu của công ty “đã” có đà tăng trưởng mạnh.
1.5 Chiến lược đầu tư tăng trưởng, nhà đầu tư chiến lược.
Đầu tư tăng trưởng hay còn gọi là đầu tư mạo hiểm, là hình thức các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào một công ty start up, một công ty con làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp được đầu tư không những bằng tài sản hữu hình mà còn bằng tài sản vô hình là chủ yếu.
Do đó yếu tố then chốt trong quá trình đầu tư là con người, kết hợp với các lợi thế cạnh tranh đặc biệt như: máy móc, công nghệ tiên tiến, trình độ kĩ thuật đặc thù.
Thời gian đầu tư thường lên tới 10 năm hay 30 năm, cho tới khi công ty thành công thì sẽ rút vốn.
Một ví dụ điển hình về chương trình chúng ta hay xem trên sóng VTV3 đó chính là Shark Tank. Điển hình của chiến lược đầu tư tăng trưởng (đầu tư mạo hiểm)
Liệu bạn có phù hợp với đầu tư tăng trưởng?
Đầu tư tăng trưởng phù hợp với nhà đầu tư chiến lược hay những người:
- Người có số vốn dư giả đủ lớn lên đến triệu $
- Là người ưu thích rủi ro
- Có mối quan tâm và hiểu biết về một lĩnh vực nhất định.
Bởi đầu tư tăng trưởng là chiến lược tâm trung vào tăng vốn hóa của một công ty nên cần một lượng vốn đủ lớn lên đến triệu $. Đầu tư vào những công ty nhỏ và vừa với mục tiêu thu lại một lượng lợi nhuận lớn trong trường hợp công ty thành công, tuy nhiên, bù lại cũng phải đối mặt khả năng công ty giải thể, thất bại cũng rất lớn (tầm 70%).
1.6 Chiến lược đầu cơ, lướt sóng
Chiến lược đầu cơ lướt sóng hay được các nhà đầu tư ngắn hạn sử dụng phân tích kĩ thuật để kiếm lợi nhuận thông qua sự biến động của thị trường trong thời gian ngắn.
Vậy phân tích kĩ thuật là gì?
Phân tích kĩ thuật là phương pháp nhà đầu tư ngắn hạn sử dụng chỉ số, biểu đồ về giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để đưa ra quyết định mua, bán và nắm giữ mà không dựa vào các chỉ số cơ bản của công ty.
Phân tích kỹ thuật một tài sản sẽ đơn giản hóa và được hiểu như một hàng hóa bởi vì sẽ không xét đến giá trị nội tại của cổ phiếu, khi đó việc giá thị trường của một cổ phiếu sẽ được quyết định bởi lượng cung và cầu trên thị trường.
Nó tập trung vào các quy luật cung cầu cổ xưa và cách giá di chuyển trong một thị trường tự do. Nền tảng của chiến lược này là số lượng của một công cụ có sẵn và mong muốn của người mua đối với nó, thúc đẩy giá cả. Nó xác định các vùng trên biểu đồ nơi cầu vượt quá cung (vùng cầu), đẩy giá tăng hoặc nơi cung vượt quá cầu (vùng cung), khiến giá giảm, và từ đó nhà đầu tư sẽ dựa vào sự biến động để ra vào thị trường hợp lý
Tuy nhiên phương pháp này thường mang yếu tố chủ quan của người phân tích nên không phải tất cả tín hiệu đều đúng. Nhà đầu tư nên kết hợp với phân tích cơ bản (xác định giá trị nội tại của cổ phiếu) để xác định đúng nhất giá của cổ phiếu.
Một vài chỉ số phân tích kĩ thuật
Có một vài chỉ báo kĩ thuật mà dựa vào đó bạn có thể biết được thời điểm mua, bán hay nắm giữ cổ phiếu để có thể sinh lời như:
- RSI – Relative Strength Index: Chỉ số sức mạnh tương đối
- MACD – Moving Average Convergence/Divergence: Chỉ số đường trung bình động
- VRI – Relative Volatility Index: Chỉ số phạm vi biến động
Bên cạnh đó còn một vài chỉ báo nữa như: Bollinger bands, Stochastic Momentum, ….. nếu bạn muốn tìm hiểu sâu về phân tích kĩ thuật
2. 5 Nguyên tắc Vàng khi đầu tư
2.1 Nên tuân thủ một chiến lược đầu tư
Cha ông ta thường có câu “Một nghề chín còn hơn chín nghề”, hay huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long từng nói rằng “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần”.
Thì đầu tư cũng gần như vậy. Chúng ta cũng nên giữ vững cho mình một lập trường, một trường phái đầu tư riêng để ta luôn luôn có thể tự tin rằng, khi dựa vào nó thì ta có thể kiếm một khoản lợi nhuận nổi bật so với thị trường.
Bên cạnh chuyên sâu về một chiến lược thì các NĐT nên biết tổng quát các kiểu cơ bản và có thể vận dụng nó bất cứ khi nào mình cần. Bởi độ biến động và thay đổi của thị trường sẽ quyết định thời điểm hoàng kim của từng chiến lược. Nên biết vẫn hơn.
2.2 Cập nhật thông tin hàng ngày
Đọc và cập nhật thông tin thị trường, kinh tế, chứng khoán và thông tin công ty về cổ phiếu mình đang nắm giữ là một hoạt động cực kì quan trọng mà nhà đầu tư nên có. Bởi lẽ, thông tin phản ảnh đến tâm thị trường, phản ánh lên giá cả và phản ánh lên quyết định mua, bán và giữ của các nhà đầu tư
Nếu bạn là nhà đầu tư mới thì việc cập nhật thông tin càng quan trọng và thiết yếu.
2.3 Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Nếu đã là nhà đầu tư thì bạn phải biết quy tắc “Không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”.
Đó là việc NĐT phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề đầu tư để khi một lĩnh vực đầu tư suy giảm thì lĩnh vực khác tăng trưởng giúp giảm thiểu mức lỗ phải chịu. Cụ thể đa dạng hóa như nào thì Đầu tư gì 2021 sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan.
Và hãy nhớ rằng giảm thiểu mức lỗ khi thị trường suy giảm cũng quan trọng không kém với tối đa hóa lợi nhuận khi thị trường tăng trưởng.
2.4 Sử dụng đòn bảy margin hiệu quả
Margin là con dao hai lưỡi, nó giúp cho nhà đầu tư kiếm được rất nhiều lợi nhuận khi thị trường phát triển mạnh nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến một vài nhà đầu tư phải phá sản và nợ nần khi thị trường đi xuống.
Đối với NĐT mới tham gia thị trường thì việc tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức rồi mới sử dụng margin là lựa chọn tốt nhất. Bởi margin chỉ thực sự hiệu quả sau khi trừ đi lãi vay và các khoản phí, và các NĐT vẫn còn một khoản lãi. Tham khảo thêm về Margin là gì
2.5 Chú ý tới các loại phí
Phí là một nhân tố quan trọng NĐT cần xem xét. Thường các NĐT dễ dàng chấp nhận với một vài chi phí nhất định vì nghĩ nó không quá nhiều so với khoản đầu tư lớn của mình. Nhưng phí sẽ thực sự tiêu cực theo thời gian.
Ví dụ với 0.3%/1 lần giao dịch. Và bạn mua đi bán lại 10 lần trong 1 năm thì bạn đã mất đi 3% lợi nhuận trong 1 năm. Còn chưa tính đến số tiền bạn giao dịch càng ít thì phí càng tăng. Nên nhà đầu tư cần chú ý tới các chính sách chi phí để làm sao đầu tư thật hiệu quả.
3. Cổ phiếu Bluechip
Cổ phiếu Bluechip là cổ phiếu công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường. Ví dụ như Vietcombank, Ngân hàng Công thương Việt Nam, ….
Một cổ phiếu được gọi là blue-chip nếu thỏa mãn ba yếu tố sau:
- Công ty có nền tảng bền vững, có sản phẩm, dịch vụ quen thuộc đối với người tiêu dùng như Vinamilk, HoaPhat,…..
- Được đánh giá ở mức an toàn hơn so với nhóm các công ty khác được chứng minh qua thời gian tồn tại như các công ty ở VN 30
- Công ty đầu ngành hoặc có tác động lớn tới ngành nghề đó như Petrolimex, Thủy điện Hòa Bình,….
Đầu tư vào Bluechip nên đầu tư dài hạn, bởi ngoài những lý do nêu ở trên (đầu ngành, an toàn, phát triển bền vừng, có tác động lớn) thì BlueChip còn có tỉ lệ trả cổ tức ổn định và tỷ lệ thanh khoản lớn trên thị trường chứng khoán. Bạn có thể tham khảo thêm về Bluechip
4. Kết luận
Như vậy, dưới sự biến động khó lường của thị trường chứng khoán, ngoài việc tìm cho mình một kim chỉ nam, một chiến lược trọng yếu để bám theo thì bạn cũng phải trang bị cho minh đầy đủ kiến thức để có thể đánh bại thị trường, bởi ngoài yếu tố chiến lược thì tính phù hợp với hoàn cảnh thị trường cũng rất quan trọng.